Tình trạng dư cung, bán phá giá giữa các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua đã khiến lĩnh vực xuất khẩu cá tra rơi vào tình trạng khốn đốn. Tuy nhiên, ngay trong tình cảnh khó khăn này, đã có không ít doanh nghiệp bứt lên mạnh mẽ nhờ hướng đầu tư bền vững.
Tăng chất, giảm lượng
Trong quý 1/2014, hiện tượng tái cấu trúc đã diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu cá tra khiến môi trường kinh doanh của ngành trở nên thuận lợi hơn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành vào năm 2013, cho đến đầu năm 2014 chỉ còn lại hơn 100 doanh nghiệp.
Tình trạng nuôi nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu đã giảm đáng kể, chỉ còn lại những vùng thả nuôi của các doanh nghiệp lớn, có mô hình sản xuất bền vững như: CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), CTCP Nam Việt (ANV). Các doanh nghiệp này đang có cơ hội lớn trong năm 2014 dù tổng cung cá tra của Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ giảm mạnh so với 2013 chỉ còn khoảng 800 nghìn tấn.
Giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý 1/2014 đạt hơn 408 triệu USD, tăng 5,17% so với cùng kỳ năm trước, 2 thị trường chính vẫn là là Hoa Kỳ và EU. Đối với thị trường Hoa Kỳ, giá trị kim ngạch đạt 84 triệu USD, tăng 15,2%, EU đạt 82,8 triệu USD, giảm 13,13% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của cá tra filet cỡ 5/7 tiếp tục tăng trong tháng 3/2014, trung bình ở mức 2,91 USD/kg-FOB, tăng 0,02 USD/kg so với tháng trước nhưng vẫn giảm 0,36 USD/kg so với tháng 3/2013. Nhưng giá cá tra filet cỡ 6/8 giảm, giá trung bình tháng 3/2014 ở mức 2,98 USD/kg-FOB, giảm 0,19 USD/kg so với tháng trước và giảm 0,13 USD/kg so với tháng 3/2013.
Nhìn chung, tỷ trọng của thị trường Hoa Kỳ không có nhiều biến động so với 2013, nhưng thị trường EU lại sụt giảm nhẹ do những tiêu chuẩn về chất lượng, nguồn gốc đang dần được siết chặt để ngăn chặn tình trạng xuất ồ ạt sang thị trường này.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của ngành cá tra lại xuất phát từ nguồn cung nguyên liệu nên giá trị kim ngạch xuất khẩu của từng doanh nghiệp cá tra trong 2014 không phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu tiêu thụ mà là khả năng cung ứng của doanh nghiệp. Hiện khả năng vùng nguyên liệu có thể đáp ứng được nhu cầu chế biến 2014 của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn như: HVG với khả năng tự chủ trên 70%, VHC là trên 70%, IDI là trên 75%, ANV là trên 70% và AGF là trên 80%.
Triển vọng xuất khẩu khả quan
Triển vọng quý 2 của nhóm 5 doanh nghiệp trên tương đối khả quan. Cụ thể, với mức tự chủ cao đối với nguyên liệu đầu vào, giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp này sẽ ở mức tương đối ổn định và sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng mạnh lên biên lợi nhuận gộp khi giá nguyên liệu đầu vào biến động. Doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chủ động trong việc đảm bảo chất lượng nuôi trồng, tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu như ASC, BAP, Global GAP.
Thực tế, với vùng nguyên liệu lớn, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong quý 2 do những khoảng trống ở các thị trường nhập khẩu do các doanh nghiệp đã phá sản để lại. Hiện tại, giá cá tra xuất khẩu đã tăng trung bình 0,2-0,3USD/kg kể từ đầu năm tới nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho tới quý 3/2014. Đây là cơ sở để biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới.
Trong những doanh nghiệp trên, VHC là doanh nghiệp có nhiều lợi thế ở thị trường Hoa Kỳ nhất vì chỉ chịu mức thuế bán phá giá 0,03 USD/kg, trong khi đó HVG, IDI, ANV nhiều khả năng phải xuất sang Hoa Kỳ bằng một code khác và phải chịu giảm biên lợi nhuận gộp từ thị trường này.
Ngược lại, HVG và AGF với lợi thế thị trường Nga và Đông Âu sẽ tiến hành đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường Hoa Kỳ. Cuối tháng 3/2014 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) trong vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, mức thuế của 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là VHC và HVG lần lượt là 0,03USD/kg và 1,2USD/kg. Những bị đơn tự nguyện khác như IDI và ANV chịu mức thuế suất 0,42USD/kg.