Do quá phụ thuộc một số thị trường, điển hình là Trung Quốc và Hàn Quốc, nên từ đầu năm đến nay khi có sự biến động từ các thị trường này, xuất khẩu sắn ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Không giải quyết thấu đáo, xuất khẩu sắn đã, đang và sẽ còn phải đối mặt với không ít lo lắng.
Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, xuất khẩusắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,31 triệu tấn và 616 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm hơn 28% về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩuchính nửa đầu năm khi chiếm tới 86,1% thị phần, giảm 23,5% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, không chỉ Trung Quốc sụt giảm nhập khẩu mà giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam tại các thị trường đều giảm, ngoại trừ thị trường Malaysia có giá trị nhập khẩu tăng nhẹ hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam: Đi sâu phân tích, xuất khẩusắn từ đầu năm đến nay giảm cả ở mặt hàng tinh bột sắn và sắn lát. Trung Quốc là thị trường xuất khẩutinh bột sắn chủ yếu của Việt Nam, chiếm 85% thị phần. Còn đối với sắn lát, thị trường chủ lực là Hàn Quốc. “Nửa đầu năm, phía Trung Quốc tập trung nhập khẩu hàng từ Thái Lan. Tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn thì có tới 800 nghìn tấn từ Thái Lan, còn nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 135 nghìn tấn”, ông Tiến nói.
Hiện nay, Trung Quốc gần như hoàn toàn nhập khẩu sắn từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Hai tháng trở lại đây, toàn bộ các cửa khẩu phụ biên giới tại Lạng Sơn như Bảo Lâm, Na Hình… đều đóng cửa với mặt hàng tinh bột sắn. Tinh bột sắn chỉ được xuất khẩutiểu ngạch duy nhất qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Phía Trung Quốc đưa ra lý do hạn chế nhập khẩu bởi chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu. “Trên thực tế mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩuqua cửa khẩu Móng Cái cũng tương đương như các mặt hàng vẫn xuất khẩuqua các cửa khẩu ở Lạng Sơn trước đây nhưng không hiểu sao phía Trung Quốc lại lập luận như vậy”, ông Tiến thắc mắc.
Hàn Quốc “cấm cửa”
Tại thị trường Hàn Quốc, tình hình còn ảm đạm hơn khi suốt 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc dừng nhập khẩu sắn của Việt Nam vì cho rằng sắn nhiễm chì. Liên quan tới vấn đề này, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã cùng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) làm việc với Cục An toàn thực phẩm Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Hiệp hội cũng tiến hành kiểm tra quy trình từ khâu trồng tới chế biến sắn tại Bình Định và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để xác định xem chính xác sắn xuất khẩucó bị nhiễm chì hay không. Mặc dù đã có những động thái trao đổi, cố gắng cải thiện tình hình, song đến nay phía Hàn Quốc chưa có thông tin phản hồi tích cực nào mà vẫn áp dụng các rào cản kỹ thuật ngăn cản việc nhập khẩu sắn.
Ngoài sự sụt giảm nhập khẩu đáng kể từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, đối với ngành sắn, giá dầu trên thế giới vẫn đứng ở mức thấp, tác động tới việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học dẫn đến giảm chế biến nguyên liệu sinh học bằng sắn lát cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên “bức tranh” xuất khẩuảm đạm nêu trên.
Trên thực tế, sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩuđạt kim ngạch tỷ USD mỗi năm, song từ trước tới nay gần như chưa có bất kỳ một chính sách nào tập trung phát triển. Theo như giãi bày của đại diện một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩusắn, các doanh nghiệp rất mong muốn Bộ NN&PTNT xây dựng chính sách mang tầm quốc gia phát triển với cây sắn. Sắn là cây trồng chủ yếu nhằm phát triển vùng Trung du miền núi, xóa đói giảm nghèo, tác động trực tiếp tới đời sống của gần 2 triệu người lao động. Bởi vậy, hỗ trợ phát triển cây sắn một cách bài bản không chỉ giúp các doanh nghiệp thoát cảnh “tự bơi”, giảm thiểu rủi ro mà còn giúp bà con nông dân thêm ổn định cuộc sống.
Đồng tình với quan điểm mà đại diện nhiều doanh nghiệp đưa ra, ông Tiến bổ sung thêm: Hiện nay, do diện tích trồng sắn không đủ để các nhà máy hoạt động hết công suất nên nhiều nhà máy chế biến sắn tại khu vực Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh… vẫn thường xuyên phải nhập khẩu sắn nguyên liệu từ Lào và Campuchia. Ví dụ, để phục vụ nhu cầu sản xuất tinh bột sắn phục vụ tiêu dùng, sản xuất thực phẩm, dược phẩm và nhập khẩu, các doanh nghiệp vùng Tây Ninh phải nhập khẩu lên tới gần 1 triệu tấn củ và 500-700 nghìn tấn sắn lát mỗi năm từ Campuchia. “Hiện nay, thuế suất nhập khẩu sắn từ Campuchia là 10%, trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu sắn lát và sắn củ từ Việt Nam với mức thuế suất nhập khẩu là 0%. Để tăng tính cạnh tranh, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị giảm thuế nhập khẩu sắn nguyên liệu từ 10% xuống 3%”, ông Tiến nói.
Nguồn: Báo Hải Quan