Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm nay có thể trở lại mốc trên 7 tỷ USD sau khi bị giảm xuống dưới mốc này trong năm 2015.
Đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ quý 2 trở đi, đã có những dấu hiệu thuận lợi hơn đối với những mặt hàng chủ lực, nhất là tôm và cá tra.
Ở thị trường Mỹ, từ cuối tháng 4, nhu cầu nhập khẩu đã tăng trở lại giúp cho giá tôm từ các nguồn cung chính tăng lên. Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vốn tương đối thuận lợi trong những tháng đầu năm, với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này tăng lên, hy vọng sẽ còn thuận lợi hơn nữa. Mặt khác, những khó khăn của một số nguồn cung chủ lực, cũng góp phần không nhỏ cho việc xuất khẩu tôm vào Mỹ trong những tháng cuối năm.
Do động đất, dịch bệnh nên sản lượng tôm của Ecuador bị giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm của nước này cho thị trường Mỹ. Ấn Độ vừa bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế nhập khẩu trung bình từ 2,96% lên 4,98%. Thái Lan đang bị giảm uy tín trên thị trường tôm thế giới…
Dự báo sản lượng tôm thế giới năm nay sẽ giảm, khiến cho giá tôm tăng 10-15%, là cơ hội tốt để Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu tôm. Trong khi đó, trong tháng 7 vừa rồi, Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện của Việt Nam về thuế chống bán phá giá (CBPG) mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Đây là 1 tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Trong đó, mừng nhất có lẽ là Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Cty Minh Phú và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG đối với Cty này. Theo kết luận sơ bộ của DOC, Minh Phú đạt được biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế CBPG tôm vào thị trường Mỹ.
Một phần thuế CBPG khoảng vài triệu USD mà Minh Phú tạm nộp trước đây có thể được hoàn lại. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ năm nay, cũng có tác động tích cực đến xuất khẩu tôm. Vì theo Hiệp định này, hạn ngạch thuế quan (thuế suất 0%) cho tôm Việt Nam xuất khảu sang Hàn Quốc là 10.000 tấn trong năm đầu tiên (tăng đều 10% sau mỗi năm và từ năm thứ 6 trở đi duy trì ở mức 15.000 tấn).
Hạn ngạch này rõ ràng mang lại lợi thế cho tôm Việt Nam hơn rất nhiều so với hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (5.000 tấn cho 10 nước ASEAN). Theo VASEP, với phần lớn các mặt hàng thủy sản chủ lực khác, thị trường xuất khẩu trong những tháng cuối năm cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc. Vì vậy, VASEP đã đưa ra dự báo như sau: XK tôm cả năm nay sẽ đạt 3 tỷ USD, tăng 10% so năm ngoái; cá ngừ đạt 500 triệu USD, tăng 10%; mực, bạch tuộc đạt 450 triệu USD, tăng 5%… Riêng cá tra, có thể giảm 4%, chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD.
Với nhiều mặt hàng có khả năng tăng trưởng giá trị xuất khẩu như trên, dự kiến cả năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Cái khó của Việt Nam trong xuất khẩu thủy sản cuối năm nay là thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm, cá tra do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn hồi đầu năm.
Nguyên liệu hải sản cũng bị ảnh hưởng do khai thác biển gặp khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản chưa được cải thiện nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân.
Chính vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cần thiết, đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu, chắc chắn các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản nguyên liệu. Dự kiến trong cả năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc và cá biển.
Áp dụng biện pháp mạnh với doanh nghiệp thủy sản bị EU cảnh báo Bộ NN-PTNT vừa ban hành Quyết định số 3328/QĐ-BNN-QLCL về việc áp dụng biện pháp tạm ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU được sản xuất tại cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh.
Theo đó, từ ngày 15/8, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ liên tục cập nhật thông tin cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh của Tổng vụ Sức khỏe và ATTP - Ủy ban châu Âu và kịp thời có văn bản cảnh báo các cơ sở có lô hàng bị phát hiện tồn dư hóa chất, kháng sinh không đảm bảo ATTP để áp dụng biện pháp tạm ngừng cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu vào EU theo quy định của Quyết định 3328.
Các cơ sở bị tạm ngừng cấp chứng thư sẽ được cấp chứng thư trở lại xuất khẩu vào EU sau khi NAFIQAD có văn bản thông báo chấp thuận kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp