Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu tôm tăng, xuất khẩu cá giảm
25/07/2014

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phấn khởi với kết quả kinh doanh thuận lợi, thì nhóm xuất khẩu cá tra lại tiếp tục gặp khó.

Cá tra hẹp đường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, riêng xuất khẩu tôm các loại đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, top 5 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất đều là doanh nghiệp ngành tôm.

Minh Phú (MPC) tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD, tương đương 55% kế hoạch năm. Đặc biệt, bước sang quý II, Minh Phú Hậu Giang đã thăng hạng, từ vị trí thứ 6 cuối năm 2013 lên vị trí thứ ba, chỉ sau Minh Phú (MPC) và Stapimex trong nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất ngành.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những yếu tố thành công của ngành sản xuất tôm là nguồn cung tôm trên thế giới giảm do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Thêm vào đó, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu tôm tăng cao là những yếu tố chính giúp xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kết quả khả quan.

Thực tế, tình hình xuất khẩu tôm vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu đều rất khả quan. Ở thị trường châu Âu, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và Ecuador trong cung cấp tôm. Ở thị trường Mỹ, Việt Nam hiện là nhà cung cấp tôm lớn thứ tư với giá trị xuất khẩu chiếm 30,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước.

Trong khi đó, tại nhóm ngành cá tra - cá basa, nếu loại trừ tỷ lệ sở hữu của Hùng Vương (HVG) tại Agrifish (AGF) thì Vĩnh Hoàn (VHC) mới là DN xuất khẩu lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, do xuất khẩu toàn ngành cá tra 6 tháng 2014 chỉ đạt 546,2 triệu USD, tăng nhẹ 2,1% nên giá trị xuất khẩu của VHC tính ra chưa bằng một nửa so với MPC. Giới chủ nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra xác nhận, việc giảm giá xuất khẩu đã ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT của Agrifish, cho biết, so với con tôm, số phận con cá tra nhọc nhằn hơn rất nhiều. Do liên tục bị thua lỗ, diện tích thả nuôi trong dân dần bị thu hẹp. Ước tính có khoảng 70% người nuôi cá độc lập đã ngừng sản xuất trong 2 năm qua.

Cạnh tranh trong ngành xuất khẩu cá tra lại gay gắt, thiếu lành mạnh với 160 công ty cùng hoạt động, đẩy giá cá tra - cá ba sa liên tục rớt giá. Cá tra lại bị kiểm tra chất lượng nhiều hơn bất kỳ loài cá nào với khoảng 27 thông số mới được thanh tra các nước châu Âu chấp nhận.

Dù vậy, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu chỉ muốn tìm cách trả giá thấp đối với con cá tra và thực tế cá tra hiện rất ít chỗ đứng trên thị trường châu Âu, nhất là Bắc Âu. Riêng tại thị trường Mỹ, hằng năm, Bộ Thương mại Mỹ đều rà soát và áp thuế chống bán phá giá lên cá tra (POR).

Đặc biệt, thị trường Nga vẫn tiếp tục đóng chặt cửa đối với cá tra Việt Nam dù trước đó các chuyên gia dự báo thị trường này sẽ mở cửa trở lại chậm nhất vào cuối tháng 4/2014.  Cá tra đang bị cạnh tranh bởi các "đối thủ” như giống cá alaska pollock. Cùng đó, cá tra không còn là sản phẩm độc quyền của Việt Nam nữa. Hiện nay, Indonesia đang bắt đầu phát triển giống cá này, còn Ấn Độ hằng năm sản xuất khoảng 500.000 tấn.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp nỗ lực bám thị trường, đạt và vượt các chỉ tiêu doanh thu, xuất khẩu là rất có ý nghĩa. Tính đến cuối tháng 6/2014, AGF đạt 53 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, hoàn thành 48% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 1.486 tỷ đồng, hoàn thành 49% chỉ tiêu.

Riêng Vĩnh Hoàn hiện là doanh nghiệp duy nhất được hưởng thuế chống bán phá giá 0 USD/kg. Với tỷ trọng thị trường Mỹ chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu, dự kiến Vĩnh Hoàn không chỉ tăng doanh thu mà sẽ tăng trưởng lợi nhuận nhờ lợi thế này.

Xoay xở gỡ khó

Nhìn tổng thể, VASEP đánh giá, năm 2014 tiếp tục là một năm thắng lợi của ngành thủy sản nhưng sẽ chủ yếu dựa vào mặt hàng tôm. Mặt hàng tôm đang có những chuyển biến tích cực

Trong khi đó, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp cá tra vẫn tương đối khả quan. Với các doanh nghiệp tự chủ về nguyên liệu trên 70% như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Agrifish... giá vốn hàng bán và biên lợi nhuận gộp sẽ ở mức tương đối ổn định.

Các doanh nghiệp có thể chủ động đảm bảo chất lượng nuôi, tuân theo các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, còn có thể tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu do những khoảng trống thị trường mà những doanh nghiệp đã phá sản để lại.

Mặc dù vậy, trước diễn biến giá cá tra sụt giảm, tăng trưởng lợi nhuận là điều doanh nghiệp ít mong đợi. Biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đã giảm từ 5,8% năm 2012 xuống còn 3% năm 2013.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Vì thế, AGF dự tính sẽ tiếp tục phát triển thêm vùng nuôi cá, để để giảm chi phí sản xuất thêm 10- 20%, xây dựng lại danh mục hàng giá trị gia tăng để có ưu thế cạnh tranh hơn.

Một số doanh nghiệp như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn từ lâu đã tính chuyện tìm kiếm thêm lợi nhuận từ những ngành khác. Hiện tại, Vĩnh Hoàn tập trung đầu tư gạo thơm và gạo đồ, hai loại gạo rất được ưa chuộng trên thị trường xuất khẩu. Mục tiêu của Vĩnh Hoàn trong năm 2014 đạt 550 tỷ đồng doanh thu và 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ mảng xuất khẩu gạo.

VHC cũng đặt nhiều kỳ vọng vào nguồn thu từ nhà máy chiết xuất gelatin và collagen dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Từ chỗ công suất chỉ đạt khoảng 35% năm 2015, Vĩnh Hoàn dự kiến nâng công suất lên 55% năm 2016 và 80% năm 2017. Mảng collagen sẽ cho lợi nhuận từ năm 2015 và đến năm 2017, Vĩnh Hoàn có thể có 100 tỷ đồng lãi từ collagen.

Trong khi đó Hùng Vương cũng đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực thương mại. Mục tiêu của Hùng Vương là trở thành doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp... sang phục vụ cộng đồng người Việt và châu Á sống ở Mỹ.

Ý kiến bạn đọc