Thị trường ngoài nước
Kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ: Rộng mở triển vọng tăng trưởng
29/03/2016
Kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng vào thị trường Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do nhu cầu thị trường cao và cơ hội mở rộng hoạt động bán hàng sẽ nhiều hơn nhờ hội nhập. Tuy nhiên, để xuất khẩu được, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải vượt qua rất nhiều rào cản thương mại như an toàn vệ sinh thực phẩm, thủ tục đăng ký…

Dệt may là mặt hàng có nhiều triển vọng xuất khẩu vào Hoa Kỳ
Theo ông Đào Trần Nhân - Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ - với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng lợi. Đơn cử như ngành dệt may, trong năm 2014, Việt Nam phải đóng cho Hoa Kỳ tiền thuế nhập khẩu là 1,68 tỷ USD, chiếm ¾ giá trị thuế của Mỹ thu từ dệt may xuất vào thị trường. Đối với ngành giày dép năm 2014, tiền thuế mà 11 nước TPP đóng cho Hoa Kỳ khi xuất khẩu vào đây là 450 triệu USD, trong đó, phần thuế Việt Nam đóng 445 triệu USD.
Thị trường giày dép ở Hoa Kỳ rất lớn. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Hoa Kỳ, thị phần giày dép Việt Nam đang chiếm 12%, dự báo tăng lên mức 22% vào năm 2019. Lợi thế tăng trưởng thị phần, kim ngạch là nhờ tác động của TPP đi vào cuộc sống, các dòng thuế dệt may và giày dép gần như trở về 0%, tạo thuận lợi cho Việt Nam tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Mặt hàng thực phẩm và đồ cũng được dự báo có nhiều triển vọng nhưng các DN Việt Nam muốn xuất khẩu cần quan tâm đến Luật Hiện đại hóa An toàn vệ sinh thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ. Theo đó, cần lưu giữ hồ sơ bản gốc của từng lô hàng để phục vụ cho việc truy suất nguồn gốc khi Hoa Kỳ yêu cầu. Song song đó, DN luôn trong tư thế đáp ứng yêu cầu kiểm tra nơi sản xuất đột xuất từ phía cơ quan quản lý thị trường xuất khẩu. Một điều rất cần thiết là DN phải đăng ký với Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về chất lượng sản phẩm, đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh để FDA cấp mã số kinh doanh, đăng ký người đại diện tại Mỹ, đây là những yêu cầu bắt buộc của nhà xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Theo các DN, một mặt hàng để tiếp cận được với thị trường Hoa Kỳ rất gian nan. Đơn cử như các mặt hàng hoa quả tươi. Hiện, mới có 4 mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam xuất được vào thị trường này gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn. Hai mặt hàng khác là xoài và vú sữa đang trong quá trình xúc tiến các thủ tục đăng ký. Thông thường, 1 loại quả của Việt Nam khi muốn xuất vào Hoa Kỳ cần 5-7 năm để triển khai các thủ tục. Do vậy, khi tiếp cận được thị trường DN cần có kế hoạch gìn giữ và phát triển.
Tương tự, với mặt hàng gạo, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập - cho hay, quá trình đưa gạo vào Hoa Kỳ gặp rất nhiều trở ngại. Dù công ty bà thường xuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Hoa Kỳ song vẫn gặp phải rắc rối ở thị trường này. Cụ thể, hàng xuất sang Hoa Kỳ, cập cảng nhưng vẫn phải cho hàng lưu kho chờ kiểm định chất lượng. Bởi vì kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa mà công ty thực hiện tại Việt Nam hoàn toàn không có giá trị gì khi vào thị trường này. Đau đầu hơn, rất nhiều DN bị trả hàng về nhưng không rõ lý do tại sao để rút kinh nghiệm cho những lô hàng kế tiếp. Cuối cùng, điệp khúc hàng xuất đi rồi trở về lại bến cũ mãi tái diễn mà phía DN không hiểu rõ nguyên nhân.
Như vậy, cơ hội thị trường là hoàn toàn có song lại gặp rất nhiều rào cản. Do vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng, giá cả… để có thể trụ được ở thị trường này.
Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng trong suốt 15 năm qua. Năm 2013 xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2012; năm 2014 đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013. Năm 2015 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 33,5 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng về giá trị là 16,9% so với năm 2014. Năm 2015 cũng là năm, Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất ở thị trường Hoa Kỳ với giá trị 25,7 tỷ USD. Dự báo kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa và đến năm 2020 dự kiến đạt xấp xỉ 57 tỷ USD.
Ngọc Thùy
 
Ý kiến bạn đọc