Nền kinh tế chia sẻ đang là một trong những khái niệm khá phổ biến ở thời điểm hiện tại. Nó dùng để chỉ những dịch vụ như Uber (ứng dụng chia sẻ chuyến đi) hay Airbnb (dịch vụ tìm chỗ ở trực tuyến toàn cầu) cùng hàng loạt cái tên ăn theo khác ở phạm vi địa phương. Trong đó, Uber đã trở thành biểu tượng cho sự thành công của loại hình kinh tế này khi dần dẫn đầu thị trường với những con số đáng kinh ngạc về tầm ảnh hưởng.
Dẫu vậy, không phải ai cũng tỏ ra đồng tình với nền kinh tế chia sẻ. Cựu phóng viên kỳ cựu Steven Greenhouse của thời báo New York Times khẳng định, đây đơn thuần chỉ là làm công ăn lương và thực chất chẳng hề có sự chia sẻ nào hết. Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Fred Wilson cũng dự đoán, khái niệm “nền kinh tế chia sẻ” sẽ sớm lép vế trước “nền kinh tế cho thuê”. Bởi về bản chất, không có ai đang chia sẻ điều gì cả. Tất cả mọi người đều đang kiếm tiền mà thôi.
Vậy khía cạnh nào của nền kinh tế chia sẻ này lại không thực sự mang ý nghĩa sẻ chia? Đơn giản, đó là tiền. Ở chung phòng với người bạn mới quen có nghĩa là chia sẻ. Nhưng nếu tỉnh dậy vào sáng hôm sau, bạn đưa cho cô nàng một tờ hóa đơn tính tiền phòng cùng đồ ăn sáng thì xin chào, bạn vừa biến thành một bà chủ khách sạn. Sẵn sàng cho ai đó đi nhờ xe chính xác là một sự sẻ chia đáng quý. Nhưng nhận tiền từ họ lại khiến bạn trông như một gã tài xế taxi. Cho ai đó mượn tiền khi họ đang túng thiếu quả là một cử chỉ hào phóng. Nhưng lấy lãi dù chỉ 1%/ngày cũng khiến bạn trở thành một kẻ cho vay cắt cổ.
Có thể khẳng định, không một trường hợp nào liệt kê ở trên được coi là chia sẻ đúng nghĩa. Chúng nên được xếp vào hạng mục mua bán, nơi những món hàng được trả bằng tiền. Đương nhiên, buôn bán chẳng có gì sai trái, bởi có kẻ mua thì mới có người bán. Tuy nhiên, việc đánh đồng mua bán với chia sẻ đơn thuần khiến khái niệm “nền kinh tế chia sẻ” trở nên ngày một kệch cỡm. Cụm từ này từ trước tới nay vẫn được lặp đi lặp lại trong các thông điệp quảng bá bùi tai. Thực chất, các công ty như Uber hay Airbnb chỉ đơn giản dùng nó như một công cụ PR và làm tấm bình phong che chắn giữa trận chiến với các nhà chức trách.
Thực chất, nền kinh tế chia sẻ là một sản phẩm không mới của Internet hay còn gọi là cộng đồng trực tuyến. Những người ủng hộ nền kinh tế này luôn nhất mực khẳng định, đề cao quyền sử dụng đang trở thành trào lưu ăn đứt quyền sở hữu. Theo đó, Airbnb đã gặt hái được thành công vang dội nhờ phương châm: Đừng nghĩ đến việc làm giàu nếu bạn không biết cách kiếm tiền từ chính những thứ bạn đang sở hữu. Hãy vắt kiệt giá trị sử dụng của chúng. Bạn cứ nghĩ rằng làm giàu thật khó nhưng hãy thử nhìn xung quanh, bạn có nhà cửa, có tài sản. Vậy tại sao không bắt đầu từ chúng? Tương tự, Uber cũng thành công rực rỡ khi thay chuỗi cung ứng già cỗi giải quyết rất “ngọt” vấn đề nan giải của ngành công nghiệp vận tải hàng chục năm nay với phương châm: Không bao giờ để phương tiện trống trên đường về.
Những phát kiến sáng giá đó có thể hết sức giá trị với nhiều đối tượng người dùng của riêng chúng. Dù vậy, những hình thức kinh doanh không bền vững không có khả năng khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Chúng chỉ đang đơn thuần tìm cách thích ứng và bật lên so với các cách thức kinh doanh truyền thống.
Có thể thấy rằng, cho dù có đột phá và thông minh đến mấy, không một mô hình kinh doanh nào của nền kinh tế chia sẻ có khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế nan giải mà hiện tại nhân loại đang đối măt. Trên hết, nền kinh tế gây tranh cãi này cũng nên sớm đi vào quá khứ bởi áp lực kinh tế nó đã và đang tạo ra, trong khi thế giới chỉ vừa mới hồi phục sau cơn “bạo bệnh” suy thoái kinh tế cách đây chưa lâu.
Tuy nhiên, yếu tố chia sẻ chỉ là một phạm vi rất nhỏ nằm bên lề guồng quay khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu. Cũng phải thừa nhận rằng, dù ít dù nhiều, ngành công nghiệp taxi chắc chắn đang bị ảnh hưởng về năng suất do phạm vi hoạt động của Uber đang ngày một mở rộng. Và Airbnb cũng có sức ảnh hưởng không nhỏ lên các hệ thống khách sạn trên toàn thế giới. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể kết luận, cả Uber lẫn Airbnb đều hoàn toàn có thể thay thế các dịch vụ truyền thống, nhưng không ai dám chắc về khả năng đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu của xu hướng này.
Chính vì vậy, thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế chia sẻ có lẽ đang dần đi đến hồi kết. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, nền kinh tế chia sẻ đang là thứ đẩy người lao động vào cảnh thắt lưng buộc bụng để đổi lấy tồn đọng tiền lương và mức sống giảm sút. Tại sao có thể nói vậy? Đó là bởi sự bùng nổ các loại hình dịch vụ chia sẻ đã dẫn đến năng suất lao động thấp ở nhiều nền kinh tế phương Tây, nguyên nhân chính của tình trạng tồn đọng lương tại các doanh nghiệp.
Tóm lại, một khi vấn đề năng suất thấp và khả năng đóng góp cho nền kinh tế vẫn chưa được xử lý thấu đáo, sự chia sẻ đúng nghĩa duy nhất đang diễn ra chỉ có thể là sự bất an mà thôi.