Tin tức
Thương mại điện tử: Cơ sở của niềm tin
02/10/2015
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2014- 2020 với tổng kinh phí 450 tỷ đồng, trong đó, Ngân sách Trung ương 350 tỷ đồng; đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp 80 tỷ đồng; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước 20 tỷ đồng.

 Đây là một tin vui với các nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực TMĐT. Thế nhưng, với kinh phí nhỏ bé, đó chỉ có thể là những viên gạch nhỏ xây cái móng cho ngôi nhà TMĐT Việt Nam đang trong thời kỳ manh nha. Điều quan trọng nhất, tham vọng xây dựng ngôi nhà TMĐT nhanh to đẹp phụ thuộc vào “tâm” và “tài” của doanh nghiệp. Vị giám đốc khối thương mại điện tử của VCCorp từng nhận xét: Hiện chỉ có khoảng hơn 2 triệu người mua hàng qua TMĐT, con số quá bé so với hơn 35 triệu người dùng internet và 90 triệu người dân Việt Nam. Thị phần nhỏ bé, niềm tin người tiêu dùng với TMĐT chưa có, hạ tầng thanh toán, dịch vụ giao nhận, mô hình sàn giao dịch, website bán lẻ còn nhiều bất cập, đầu tư cho TMĐT là dài hạn và “đốt tiền”, thậm chí “đốt” rất nhiều tiền, lâu thu lợi... những thách thức vô cùng lớn buộc phải vượt qua nếu doanh nghiệp muốn nhập cuộc chơi TMĐT.

 Dưới góc độ doanh nghiệp, vụ án Công ty CP đào tạo mua bán trực tuyến (muaban24.vn) sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân hồi đầu năm 2013 vẫn còn nóng hổi. Hoặc, vụ lình xình nội bộ của nhommua.com đã khiến thương hiệu TMĐT số 1 Việt Nam nhanh chóng từ đỉnh cao rơi xuống chân núi cuối năm 2012, đến nay vẫn chưa gượng lại được... Những bài học đắt giá!...

 Nói vậy không có nghĩa không có hy vọng về một ngôi nhà TMĐT Việt Nam sẽ hiện hữu hoành tráng trong tương lai gần.

 Các chuyên gia TMĐT tính toán: Năm 2013, giá trị các giao dịch TMĐT của Việt Nam ước khoảng 2,2 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 40- 45% dân số sử dụng internet, doanh số TMĐT sẽ tăng lên hơn 4 tỷ USD. Miền đất TMĐT Việt Nam khá màu mỡ!

 Niềm hy vọng càng tăng khi cuối năm 2013, MekongCom (doanh nghiệp sở hữu 3 thương hiệu B2C: Vinabook.com- nhà sách trực tuyến, Hotdeal.vn- mua hàng theo nhóm, Yesgo.vn- đặt phòng trực tuyến) được tôn vinh là 1 trong 100 công ty công nghệ đột phá hàng đầu châu Á. Đầu năm 2014, Vingroup tạo một mũi nhọn mới bằng việc thành lập Công ty VinE-Com để tham gia vào sân chơi TMĐT với vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng, trong đó Vingroup góp 70%, tương đương 735 tỷ đồng. Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) đã tuyên bố “đổ” 20 triệu USD vào thị trường TMĐT Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, trong đó có website bán hàng Bizweb.vn...

 Có thể xem đây là những cú huých mạnh cho TMĐT Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc