Tin tức
Sẽ có thanh tra chuyên ngành để giám sát giao dịch trên Internet
20/09/2015
Internet đang là môi trường lý tưởng để nhiều doanh nghiệp lợi dụng quảng bá và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, do vậy trong dự thảo Nghị định về Thanh tra chuyên ngành, Bộ Công Thương ​đề xuất ​đưa lực lượng thanh tra Thương mại điện tử trực thuộc Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhằm đạt được hiệu quả chuyên môn cao nhất.

Đó là thông tin do ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA-Bộ Công Thương) tại hội thảo "Chính sách thương mại điện tử Việt Nam 2015) do Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) phối hợp với VECITA tổ chức sáng 16/9, tại Hà Nội.

Theo ông Trần Hữu Linh, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh mẽ, dự kiến loại hình thương mại điện tử Doanh nghiệp-Người tiêu dùng (B2C) sẽ đạt doanh số 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ và khoảng 30% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến, 350 USD/người/năm vào năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích do thương mại điện tử mang lại thì vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng môi trường ảo để núp bóng hoạt động kinh doanh trái pháp luật.

Ông Linh cho biết, việc kinh doanh và quảng bá hàng giả, hàng nhái trên Internet đang diễn biến phức tạp, thậm chí một lãnh đạo của hãng mỹ phẩm Loreal đã phải lên tiếng và trao đổi với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin để có những giải pháp ​nhằm ngăn chặn hoạt động quảng bá và bán sản phẩm giả của công ty này đang tràn lan trên mạng​.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo VECITA, tranh chấp trong môi trường online cũng ngày càng nhiều và việc xử lý rất khó khăn do các chứng cứ đều ở trên mạng nên cần phải có đội ngũ cán bộ và công cụ hữu hiệu để giải quyết.

"T​rong giai đoạn tới (từ 2016-2020), các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào khâu thực thi pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch trên mạng," ông Linh nói.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Tuấn Nghĩa, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát triển thương mại điện tử, ​giúp doanh nghiệp có thể quảng bá và giới thiệu hàng hóa một cách thuận lợi nhất.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Mặc dù đã có nhiều đột phá về chính sách, nhưng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng các khung pháp lý hiện mới kiểm soát được những thách thức từ trong nước, trong khi ​rất nhiều rủi ro ​từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hiện còn bỏ ngỏ.

Cụ thể là các giao dịch thương mại sử dụng Facebook, mạng xã hội... để trao đổi, mua bán hàng hóa từ nước ngoài, hoặc hàng hóa được mua từ các trang mua, bán online rất có thể khiến khách hàng bị lộ ​thông tin, thậm chí là ​mua phải hàng kém chất lượng...

Trước những lo ngại này, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, trong thời gian tới phía Bộ Công Thương sẽ làm việc với đại diện một số quốc gia để có thể đạt được những cam kết mang tính pháp lý, qua đó đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử./.
Ý kiến bạn đọc