Công nghiệp chế biến
Tiềm lực xuất khẩu dệt may còn rất lớn
21/05/2014

Mặc dù tình hình tiêu thụ hàng dệt may ở thị trường thế giới vẫn còn tiềm ẩn những biến động bất thường, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm năm nước xuất khẩu hàng dệt-may lớn của thế giới và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ngay từ năm 1996 - cách đây 18 năm, dệt may là mặt hàng sớm đạt được kim ngạch 1 tỷ USD, chỉ sau mặt hàng dầu thô (đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên từ năm 1995). Mặt hàng này cũng sớm đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD từ năm 2002, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD năm 2003, đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2004, đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2006, đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2007, đạt trên 9 tỷ USD vào năm 2008, đạt trên 11 tỷ USD vào năm 2010, đạt trên 14 tỷ USD vào năm 2011, trên 15 tỷ USD vào năm 2012, đạt trên 17 tỷ USD vào năm 2013. Thời gian để tăng thêm 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ USD ngày một ngắn lại.

Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang là những thị trường nhập khẩu số lượng lớn các đơn hàng của Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành dệt may với tỷ trọng ổn định, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Thị trường Nhật Bản đang được các doanh nghiệp dệt may tích cực khai thác, nâng dần lên mức 12% trong năm 2013, gần với tỷ trọng hàng dệt may xuất sang khu vực châu Âu (13%).

Việc tăng trưởng mạnh trong ngành dệt may có sự tác động rất lớn từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia đàm phán và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới như TPP, FTA, Việt Nam-EU, Liên minh thuế quan giữa Viêt Nam với ba nước Nga - Bê-la-rút - Ca-dắcxtan. Dự kiến, sau khi TPP có hiệu lực, sẽ có đến hơn 90% mặt hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản (cũng như các nước ký kết TPP) được điều chỉnh thuế nhập khẩu còn 0% so với mức đang bị áp dụng từ 17 đến 32% vào Hoa Kỳ và 12% vào EU. Với lợi thế này, theo các nhà quản lý kinh tế và các tổ chức nghiên cứu thị trường nước ngoài, trong 10-15 năm tới, thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mức tăng mạnh, chiếm khoảng 10% thị phần cung ứng toàn cầu (hiện chiếm 4-5%), đưa kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước tính sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.

Cạnh tranh gay gắt

Ba năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có bước tăng trưởng cao (vượt mức kế hoạch đề ra), từng bước xâm nhập mạnh vào các thị trường lớn. Thế nhưng, để có thể chiếm khoảng 10% thị phần thế giới, ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ trong chuỗi cung ứng.

Hoa Kỳ, thị trường có sức tiêu thụ lớn trong TPP yêu cầu phải có nguồn gốc hàng hóa, công đoạn sản xuất vải tính từ sợi phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên trong TPP (yarn forward) mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới đáp ứng 50% nguyên liệu sợi trong nước.

Riêng Vinatex, nhờ cố gắng tập trung đầu tư vào dệt, nhuộm, năm 2013, đã giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu, sử dụng 60% nguyên phụ liệu trong nước sản xuất, phục vụ xuất khẩu dệt may.

Với yêu cầu điều kiện xuất xứ trên, các doanh nghiệp FDI đang tận dụng cơ hội nhanh chóng đầu tư vốn vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy sợi, dệt, nhuộm đón đầu TPP. Tại cuộc triển lãm quốc tế thiết bị ngành may và nguyên phụ liệu (Sài gòn Tex) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 10/4, có hơn 500 doanh nghiệp thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia giới thiệu, chào hàng hàng loạt thiết bị máy móc, nguyên liệu nhằm gia tăng tiếp cận vào thị trường dệt may Việt Nam. Hiện có hơn mười doanh nghiệp nước ngoài đã và đang xin giấy phép đầu tư xây dựng các nhà máy dệt, may, nhuộm, xơ sợi có vốn đầu tư từ 50 triệu USD/dự án trở lên. Riêng VINATEX đang triển khai 12 dự án sợi, chín dự án dệt trong năm 2013. Năm 2014, VINATEX sẽ tiếp tục đầu tư thêm 5.000 tỷ đồng cho các dự án phát triển nguyên phụ liệu, trong đó tập trung đầu tư các dự án sợi, dệt nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Vấn đề đặt ra cho ngành dệt may hiện nay là làm sao tăng tốc sản xuất, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp từ sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may thành phẩm theo chuỗi khép kín; tăng tỷ trọng nội địa hóa các công đoạn từ sợi trở đi, làm ra sản phẩm tốt, có chất lượng, giá trị cao. Để có lợi nhuận và vị thế, thương hiệu trong ngành thời trang thế giới, ngành dệt may Việt Nam phải vươn lên, chủ động tạo ý tưởng, thiết kế mẫu theo phương thức ODM nhằm cạnh tranh bình đẳng với các thương hiệu dệt may thế giới, đồng thời có biện pháp kiên quyết xử lý môi trường khi triển khai các dự án dệt may...

Tiềm lực xuất khẩu dệt may còn rất lớn.

Sản xuất dệt may của cả nước hiện có gần 7.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn cơ sở kinh tế tập thể, tổ sản xuất, hộ gia đình và cá thể. Ngành này đã thu hút trên 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hàng triệu lao động ở các cơ sở khác. Giá trị sản xuất tính theo giá thực tế của ngành dệt may chiếm khoảng 8,3% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, lớn thứ hai sau ngành sản xuất chế biến thực phẩm. Trong hai khu vực, kinh tế trong nước chiếm 40,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 59,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đó là tỷ trọng rất cao, có thể ít người ngờ tới. Điều đó được lý giải do các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng lực lượng lao động dồi dào, giá cả còn rẻ để đạt được mục tiêu lợi nhuận đầu tư của mình. Nếu tính trực tiếp thì ngành dệt may đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Tiềm năng về thị  trường còn có điều kiện rộng mở. Chỉ riêng về các nước trong TPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 vào 11 nước này đạt 11.684 triệu USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào TPP. Tỷ trọng xuất khẩu dệt may trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường TPP đạt khá cao, như Hoa Kỳ 36%, Canada 25,2%, Nhật Bản 17,4%, Chile 14%, Mexico 9,8%... Nếu Việt Nam gia nhập TPP thì tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào TPP sẽ được hưởng lợi về thuế xuất.

Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trước hết là tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển. Mặc dù, nếu tính trực tiếp, thì ngành này đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nhưng kim ngạch nhập khẩu các nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp (cho cả việc sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và sản xuất sản phẩm cho cả xuất khẩu) vẫn còn khá lớn. Trong năm 2013, nhập khẩu bông 1.172 triệu USD, xơ sợi các loại 1.517 triệu USD, vải các loại 8.340 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 3.779 triệu USD, cộng 14.808 triệu USD, chiếm 82,6% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Đó là chưa kể một số hoá chất, một số loại dầu...; nhưng cũng cần trừ ra một số loại khác như xơ sợi dệt các loại (đang xuất siêu vì xuất khẩu mặt hàng này lên đến 2.149 triệu USD), trong nguyên phụ liệu có cả số phục vụ sản xuất, xuất khẩu giày dép...

Hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành dệt may còn thấp, do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, mẫu mã chuyển biến chưa nhiều. Sản xuất và xuất khẩu dệt may chủ yếu khai thác lợi thế về giá nhân công còn rẻ. Do vậy, tiền lương của người lao động còn thấp, cường độ lao động cao... Hàng dệt may của Việt Nam còn bị cạnh tranh trên sân nhà với hàng nhập khẩu và cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu với các nước khác, nhất là Trung Quốc, Pakistan.

Ý kiến bạn đọc