Đây là cơ hội lớn giúp cho người trồng vải thu lợi nhiều hơn, đồng thời giúp DN Việt tránh phụ thuộc vào thị trường láng giềng - Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện vải chỉ XK chủ yếu sang Trung Quốc với tỷ lệ 90-95%. Theo kế hoạch phát triển XK vùng (trong chương trình "Nâng cao năng lực cạnh tranh XK cho các DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương") của Bộ Công Thương, năm 2017 sẽ giảm tỷ lệ XK quả vải sang thị trường Trung Quốc xuống còn 85% và đến năm 2020 còn 75%. Thời gian tới Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đàm phán các biện pháp kỹ thuật kinh doanh tư vấn nhằm xúc tiến mở cửa thị trường XK vải, xây dựng thương hiệu quả vải của Việt Nam.
Niềm vui nhân ba
Người trồng vải đang đón nhận nhiều tin vui. Sau thanh long, chôm chôm, ngày 6-10, vải tươi của Việt Nam chính thức được XK sang Mỹ - thị trường vốn được đánh giá khó tính bậc nhất bởi nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo các ngành chức năng, dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể XK sang Mỹ khoảng 600 tấn vải.
Không chỉ có được "tấm vé" vào Mỹ, quả vải Việt Nam còn có cơ hội XK sang Australia. Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, đây là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Hiện Australia chưa chấp nhận NK bất cứ loại trái cây tươi nào của Việt Nam mà mới chuẩn bị thí điểm với trái vải.
Dự kiến, đến mùa vải năm 2015, trái vải Việt Nam sẽ chính thức XK vào thị trường này. Thêm một thị trường khó tính nữa chấp nhận mua vải của Việt Nam là Nhật Bản. Đến nay Việt Nam đã XK thí điểm được 20 tấn vải sang Nhật để… chào hàng. Cũng mới đây nhất, trong kế hoạch phát triển XK vùng miền Bắc, quả vải được xác định là một trong 7 mặt hàng được ưu tiên hỗ trợ.
Như vậy, quả vải sẽ có thêm nhiều "cửa" để xuất ngoại thay vì chỉ XK sang Trung Quốc như bấy lâu nay. Quan trọng hơn thế, khi XK được sang những thị trường "khó tính", tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá, thao túng mỗi khi mùa vải rộ chín sẽ được khắc phục. Theo đánh giá của ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Bắc Giang: Gọi là XK sang Trung Quốc "cho oai" nhưng thực tế, thương nhân Trung Quốc đã sang tận nơi mua, nông dân Việt Nam chỉ việc thu gom, còn đóng gói, vận chuyển, mẫu mã, bảo quản, giá cả… như thế nào đều do thương nhân mua quyết định. Mặc dù tăng trưởng XK vải của Hải Dương và Bắc Giang năm 2008 - 2012 tăng 220%, nhưng thị phần chỉ chiếm 6% thế giới, trong đó XK sang Trung Quốc chiếm 90-95%.
Tuy thị trường Nhật, Mỹ hoặc các nước châu Âu là thị trường "khó tính" với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chất lượng cao và Trung Quốc là thị trường "dễ tính" với tiêu chuẩn thấp và không có rào cản kỹ thuật, song XK sang Trung Quốc lại tiềm ẩn nhiều "rủi ro" và với mức giá rất thấp. "XK sang Trung Quốc, quả vải chỉ có giá 1 USD/kg, nhưng khi đáp ứng được thị trường khó tính thì ở Nhật giá quả vải là 40 USD/kg, ở các nước châu Âu là 25 USD/kg", ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Phải có DN đầu mối
Hiện nay, hạn chế lớn nhất khi XK vải của Việt Nam là vấn đề chất lượng. Ông Khanh cho biết, Bắc Giang hiện có 38.000ha trồng vải, trong đó có 8.000ha XK theo tiêu chuẩn VietGap. Nhưng sản xuất theo tiêu chuẩn này mới chỉ giúp địa phương XK được sang Trung Quốc, còn muốn XK sang Mỹ, Nhật… thì phải đưa tiêu chuẩn GlobalGap vào. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của GlobalGap như thế nào thì DN, người dân chưa nắm được. Bên cạnh đó, do mùa vụ vải chỉ kéo dài 2 đến 3 tuần nhưng chưa có sự đầu tư về công nghệ bảo quản (bởi chi phí tốn kém) nên thu nhập của người trồng vải giảm đi khá nhiều.
Nói vậy để thấy rằng, thêm cơ hội nhưng không có nghĩa là thêm thuận lợi cho XK vải tươi. Với những yêu cầu từ các thị trường khó tính, việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap, đưa công nghệ bảo quản vào sản xuất phải được đặt lên hàng đầu.
Hiện trên thế giới có rất nhiều công nghệ bảo quản nhưng với thực tế DN nhỏ và vừa Việt Nam vốn ít thì chỉ có thể sử dụng công nghệ của Israel là phù hợp. Ông Khanh cho hay, công nghệ Israel dễ vận dụng, nguồn lực đầu tư không quá lớn (bảo quản 10 tấn mất khoảng trên dưới 10 tỷ đồng và kéo dài được 8 tuần) và phù hợp với thời gian vận chuyển sang Mỹ, khoảng 30 ngày.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực để đầu tư công nghệ bảo quản, nên Nhà nước cần hỗ trợ DN. Theo đó, cần lựa chọn, rà soát trong số các DN XK vải, DN nào có đủ năng lực để hỗ trợ hình thành DN XK đầu mối. "Nếu không có DN XK đầu mối thì không thể XK được. "Do nhiều năm XK sang thị trường dễ tính đã tạo tác phong cẩu thả, dễ dãi cho DN Việt Nam. Khi chuyển sang XK ở thị trường khó tính nếu chúng ta không văn minh thì sẽ khó có thể XK được", ông Khanh nói. Thêm vào đó, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang đã có chỉ dẫn địa lý nhưng tiến tới phải xây dựng thương hiệu quốc gia, bảo hộ thương hiệu vào các nước có tiềm năng XK vải thiều.