Nông, lâm thủy sản
Pháp thị trường tiềm năng của cá tra và tôm
17/05/2014

Với dân số 63 triệu người, mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người đạt 34 kg/người/năm. Nhưng nguồn cung thuỷ sản trong nước Pháp hiện mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu, đây là một thị trường tiềm năng cần phải tiếp tục xúc tiến để xuất khẩu.

Vai trò của thủy sản nhập khẩu trên thị trường Pháp

Nguồn cung thủy sản trong nước của Pháp chỉ đáp ứng được khoảng 45% lượng tiêu thụ của người dân, nên thủy sản nhập khẩu có vai trò quan trọng.

Giá trị nhập khẩu thủy sản của Pháp liên tục tăng trong những năm qua, từ 3,6 tỷ euro trong năm 2010 lên 3,8 tỷ euro trong năm 2013. Các loài nhập khẩu chủ yếu là tôm nước ấm, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, sò điệp. Trong đó, nhập khẩu thủy sản từ các nước đang phát triển đang tăng mạnh, cao hơn so với tốc độ nhập khẩu chung từ các nước khác. Các nước đang phát triển hiện đang là những nhà cung cấp chính các sản phẩm thủy sản tươi và đông lạnh cho thị trường Pháp.

Trong số các mặt hàng thủy sản được tiêu thụ mạnh, các loài cá thịt trắng như cá tuyết vẫn là những loài chiếm ưu thế về khối lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng cá nước ngọt nhập khẩu trong đó có cá tra Việt Nam đang tăng mạnh. Nhóm hàng giáp xác như tôm, cua cũng có lượng nhập khẩu lớn, chiếm trên 20% giá trị nhập khẩu thủy sản của Pháp.

Trong giai đoạn 2009 - 2013, giá trị nhập khẩu giáp xác (chủ yếu là tôm) đã tăng 24% về giá trị. Các nước như Êcuađo, Ấn Độ, Bănglađét và Việt Nam là các nhà cung cấp chính.

Pháp nhập khẩu thủy sản không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn phục vụ ngành chế biến.

Xu hướng tiêu thụ thủy sản

Pháp là một trong những nước có mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người cao nhất tại Châu Âu, đạt khoảng 34 kg/người/năm, chỉ sau Tây Ban Nha. Tiêu thụ các sản phẩm cá đạt trung bình 22,4 kg/người và tiêu thụ thủy sản có vỏ và giáp xác đạt 11,5 kg/người.

Hiện nay, nhu cầu thủy sản tại Pháp đang tiếp tục tăng cao. Tổ chức quốc gia về An toàn sức khỏe trong các lĩnh vực Thực phẩm, Môi trường và Lao động (ANSES) khuyến nghị người dân nên ăn thủy hải sản hai lần/tuần. Tổ chức Nông nghiệp và Thủy sản Pháp FranceAgrimer đã triển khai chiến dịch quảng bá thủy sản trị giá 1 triệu euro, trong đó đối tượng chính là phụ nữ.

Khủng hoảng kinh tế cũng tác động một phần đến sự gia tăng tiêu thụ thủy sản tại Pháp khi người tiêu dùng quay lại chế biến thức ăn tại nhà thường xuyên hơn. Hiện nay, lượng thủy sản tiêu thụ tại nhà của Pháp chiếm khoảng 73%.

Kết quả của công trình nghiên cứu độc lập do Công ty Nghiên cứu thị trường Albemarle thực hiện cho thấy 23% người Pháp đã biết đến logo của Hội đồng Quản lý Biển (MSC). Tại Pháp, khoảng 57 sản phẩm thủy sản dán nhãn MSC đang được phân phối trên thị trường và số lượng các nhà bán lẻ Pháp đang xem xét đưa dòng sản phẩm này vào kinh doanh đang gia tăng. Hai chuỗi siêu thị lớn - Casino và Carrefour - chiếm ưu thế trong việc phân phối các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận MSC. Casino bắt đầu cung cấp các sản phẩm MSC từ năm 2007 và hiện đang phân phối 18 sản phẩm dán nhãn MSC. Carrefour hiện đang cung cấp 11 sản phẩm MSC.

Với mục tiêu hướng đến phát triển thủy sản bền vững, các hiệp hội như Hiệp hội Bán buôn và Bán lẻ của Pháp đã phát động một chiến dịch ăn thủy sản theo mùa với giá bán lẻ phù hợp để giảm tác động đến môi trường. Các chiến dịch tương tự cũng được các nhà bán lẻ như Galec/Leclerc, Auchan và Casino thực hiện trong đó có việc ngừng bán các loài cá được xem là có nguy cơ tuyệt chủng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Pháp

Pháp là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5 của EU, trong khi đó EU lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Theo Trademap, năm 2013, Việt Nam là một trong 15 nhà cung cấp thủy sản lớn nhất của Pháp. Trong đó, mặt hàng tôm xếp thứ 12 và còn các mặt hàng phi lê cá đông lạnh xếp thứ 11.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Pháp từ năm 2008 đến năm 2013 có nhiều biến động. Từ năm 2009-2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp liên tục tăng về cả giá trị và khối lượng. Năm 2011, giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất 131 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Năm 2012, do suy thoái kinh tế, nên nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Pháp giảm 10,5% so với năm 2011, đạt 117 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2013, tình hình đã có những dấu hiệu phục hổi khi xuất khẩu thủy sản sang Pháp đạt 120 triệu USD, tăng nhẹ 2,5% so với năm 2012. Đà phục hồi trở nên rõ nét hơn trong 4 tháng đầu năm 2014 với mức tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị xuất khẩu đạt 41,83 triệu USD.

Xuất khẩu cá tra chưa phục hồi

Cá tra đang trở thành một trong những loại thủy sản được tiêu thụ nhiều tại Pháp nhờ đặc điểm phù hợp với thị hiếu tiêu thụ cá thịt trắng của người dân Pháp, giá cả phải chăng và có các chứng nhận bền vững như ASC, GlobalG.A.P.

Năm 2013, nhập khẩu cá tra và cá da trơn vào Pháp đạt 5.774 tấn, giá trị 17,8 triệu USD, trong đó cá tra Việt Nam chiếm 78% tổng khối lượng và giá trị.

Riêng với philê cá tra đông lạnh, Việt Nam xuất khẩu được 4.515 tấn sản phẩm này vào Pháp.

Cá tra là loài có giá trị xuất khẩu sang Pháp cao thứ 2 sau tôm. Năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Pháp đạt mức cao nhất kể từ khi sản phẩm này thâm nhập vào thị trường này với gần 20 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả này không duy trì được khi giá trị xuất khẩu liên tục sụt giảm trong năm 2012 và 2013. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Pháp trong năm 2013 đạt 15,7 triệu USD, giảm 6,7% so với 16,869 triệu USD của năm 2012. Trong 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Pháp chưa thấy có dấu hiệu phục hồi khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1,5 triệu USD, giảm mạnh 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về giá cả, giá nhập khẩu trung bình cá tra vào Pháp chỉ tăng nhẹ, giai đoạn 2005 - 2011, giá nhập khẩu trung bình đạt cao nhất khoảng 3,2 USD/kg năm 2011 và thấp nhất là 2,7 USD/kg trong các năm 2005, 2006 và 2010. Giá cá tra filet của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tăng trong 2 tháng đầu năm 2014, giá tháng 2/2014 trung bình ở mức 2,30 USD/kg-FOB, tăng 0,04 USD/kg so với tháng trước và giảm 0,51 USD/kg so với tháng 2/2013.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại EU và Pháp vẫn chưa hồi phục do nền kinh tế khu vực chưa thực sự ổn định. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp các loại cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá minh thái… cho EU khá dồi dào, tạo nên sự cạnh tranh khá mạnh trên thị trường và gây khó cho tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Vì vậy, các DN cần tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan XTTM của Việt Nam tại Pháp nhằm tiếp cận sâu hơn những kênh phân phối và hệ thống tiêu thụ lớn tại Pháp, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của thị trường nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm cá tra tại Pháp trong năm 2014.

Xuất khẩu tôm trên đà tăng trưởng

Tôm là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất của Pháp với giá trị nhập khẩu hàng năm khoảng 950 triệu USD, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của nước này. Tiêu thụ tôm của Pháp tăng nhanh, từ 0,8 kg/người năm 1991 lên 1,8 kg năm 2011. Tôm thường tiêu thụ mạnh trong những dịp đặc biệt như Giáng Sinh, Năm Mới hay các bữa tiệc nướng ngoài trời mùa hè.

Nhập khẩu tôm chế biến tăng 7% về lượng và gần 19% về giá trị trong giai đoạn 2008-2011. Tôm chế biến chủ yếu nhập khẩu từ Hà Lan, Thái Lan, Bỉ/Luxembua và Việt Nam.

Tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp. xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Pháp thực sự khởi sắc trong những năm từ 2008-2011. Mặc dù sụt giảm khá đáng kể trong năm 2012, nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này đã lấy lại được đà tăng trưởng trong năm 2013 với giá trị đạt hơn 60 triệu USD, tăng trên 63% so với năm 2012- mức tăng trưởng kỷ lục mà xuất khẩu tôm sang Pháp đạt được trong nhiều năm qua, chiếm hơn 49% tổng giá trị 124 triệu USD nhập khẩu thủy sản Việt Nam của Pháp trong năm này.

Xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể, tuy nhiên, khối lượng tôm chế biến sẵn và sản phẩm GTGT đã có những cải thiện tích cực. Năm 2009, tôm chế biến chỉ chiếm khoảng trên 21% tổng xuất khẩu tôm sang Pháp (tương đương 7,5 triệu USD) nhưng tỉ lệ này đã tăng lên 28% năm 2010, 34% năm 2011 và 2013. Đây sẽ là một lĩnh vực mà các nhà chế biến Việt Nam cần khai thác mạnh hơn để gia tăng giá trị xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Pháp.

Từ sau quý III/2013, kinh tế khu vực Eurozone được cho là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng, nhu cầu tiêu thụ được cải thiện cộng với giá tôm trên thị trường này cũng tăng lên đã tạo cơ hội cho tôm Việt Nam sang Pháp.

Trong 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU tăng trưởng rất tốt, tăng gần 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Pháp tăng mạnh 40%. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Pháp đạt giá trị 11,64 triệu USD, tăng ấn tượng ở mức 3 con số 107,4% so với cùng kỳ năm 2013. Tôm sú và tôm thẻ là 2 mặt hàng xuất khẩu chính sang Pháp, giá xuất khẩu 2 mặt hàng này tăng trong 2 tháng đầu năm 2014. Giá tháng 2/2014 của tôm sú trung bình ở mức 13,4 USD/kg-FOB, tăng 1,38 USD/kg so với tháng trước và tăng 1,68 USD/kg so với tháng 2/2013; giá tôm thẻ tháng 2/2014 ở mức 9,42 USD/kg-FOB, giảm 0,16 USD/kg so với tháng trước nhưng tăng 1 USD/kg so với tháng 2/2013.

Với kết quả khả quan trong những tháng đầu năm 2014, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Pháp sẽ tăng trong năm 2014.

Ý kiến bạn đọc